畢業於河內音樂學院(今越南國家音樂學院)理論與吉他等系,此後在南越胡志明市生活與工作。專研華人傳統音樂、宗教信仰、禮樂,以及民間音樂等領域。共同著作如《富禮冊符專考》、《南部華人文化專考》、《堤岸舞獅》、《傳統與民間遊戲》、Southeast Asian Personalities of Chinese Descent A Biographical Dictionary等,以及曾發表於《音樂教育》、《音樂學》、《科學通報》等雜誌研究論文多篇。
Mục lục
LỜI NÓI ĐẦU: CÒN DUYÊN VỚI ĐÌNH 13
TÌM VỀ NGÔI ĐÌNH XƯA 19
Việt Nam - Đất nước thân thương hình chữ S 21
Ngược dòng dĩ vãng 25
LẠC BƯỚC VÀO ĐÌNH 47
Ngôi đình trong thực tại văn hóa 48
Đình miền Bắc 51
Đình miền Trung 60
Đình miền Nam 69
Dừng chân nhìn lại 76
Trang trí kiến trúc 82
THẦN THÀNH HOÀNG VÀ BỘ MÁY NỘI CÁC 91
Lý lịch vị thần Thành hoàng 93
Thần Thành hoàng từ phố về làng 97
Thần Thành hoàng - Ông vua xứ làng 99
Thần Thành hoàng từ làng ra phố 107
Tờ sắc - Giấy chứng nhận của thần Thành hoàng 110
Đình làng - Hoàng cung của thần Thành hoàng 115
Hệ thống nội các của thần Thành hoàng 119
LỄ KỲ YÊN - NGÀY HỘI LÀNG 137
Lễ Kỳ yên - Ngày hội tôn vinh thần Thành hoàng 141
Kịch bản lễ Kỳ yên 153
NHỮNG LOẠI HÌNH NGHỆ THUẬT GẮN VỚI NGÔI ĐÌNH 159
Nhạc lễ 162
Hát cửa đình 174
Hát bội 182
LỜI BẠT: ĐÌNH LÀNG GIỮA PHỐ THÊNH THANG 203
Cuối thập niên 90 thế kỷ XX, tôi có cơ hội tham gia đề tài nghiên cứu “Nhạc lễ đình đền ở Sài Gòn – Gia Định” do Ban Văn hóa Cổ truyền, Phân viện Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật tại thành phố Hồ Chí Minh thực hiện. Bấy giờ, trong bối cảnh thành phố Hồ Chí Minh chuẩn bị kỷ niệm 300 năm vùng đất Sài Gòn - Gia Định (1698-1998), rất nhiều dự án liên quan được triển khai.
Lần đầu đến với ngôi đình qua một nghiên cứu về nhạc lễ, tôi chỉ có nhiệm vụ: “Tìm hiểu phương thức diễn tấu của nhạc lễ đình.” Công việc này kéo dài không bao lâu thì kết thúc. Sau đó ít lâu, tôi thực hiện một đề tài khác mang tên: “Lễ hội cúng miễu ở thành phố Hồ Chí Minh”. Ngôi miễu ở Nam Bộ, trong đó có thành phố Hồ Chí Minh là một thiết chế văn hóa tín ngưỡng với không gian nhỏ, ở nhiều nơi cũng nằm trong quần thể kiến trúc đình. Nói cách khác, đình – miễu có liên quan mật thiết với nhau. Mối quan hệ này khá phức tạp và nhờ vào nghiên cứu về miễu, tôi có thêm điều kiện tìm hiểu ngôi đình. Ban đầu nghiên cứu đình tôi chỉ tìm hiểu về nhạc lễ, khi nghiên cứu về miễu tôi quan tâm tới cả đối tượng thờ tự, nghi thức hành lễ với sự tham gia của âm nhạc. Thời gian qua đi, công việc này sớm đến hồi kết thúc. Những tưởng nhân duyên của mình đối với ngôi đình cũng đã chấm dứt!
Năm 2017, nhận lời mời của Nhà hát Quốc nhạc Đài Loan lần đầu tiên tôi tới Đài Bắc thực hiện chương trình “Sắc màu phương Nam - Âm nhạc truyền thống Việt Nam” biểu diễn, giao lưu văn hóa giữa nghệ sĩ Việt Nam và Đài Loan. Năm đó Nhà hát Quốc nhạc sắp xếp cho chúng tôi ở một khách sạn xinh xắn, thuận tiện gần sát trạm Metro Kiếm Đàm đối diện núi Viên Sơn. Suốt thời gian ở đây, dường như sáng nào tôi cũng leo lên núi Viên Sơn, vừa tập thể dục, vừa ngắm quang cảnh, khám phá ngọn núi. Từ đỉnh núi Viên Sơn nhìn xuống có thể bao quát một góc thủ đô Đài Bắc tráng lệ. Cách núi Viên Sơn không xa có khu phố đi bộ Sĩ Lâm tập trung đông người qua lại, nhất là vào buổi tối. Trái với khung cảnh náo nhiệt, sầm uất dưới đường phố, trên núi Viên Sơn vắng vẻ, bình yên đến lạ.
Dù thỉnh thoảng vẫn nghe thấy tiếng đoàn tàu đường sắt trên cao (Metro) chạy ngang qua, nhưng tôi như lạc bước vào một thế giới khác. Những bậc thang, con đường nhỏ, nằm đan xen nhau tạo thành một mạng lưới chằng chịt, bao quanh ngọn núi. Những bậc thang chập chùng, quanh co, dốc nối dốc, đặc biệt thường xuyên đổi hướng rất dễ bị lạc, càng nâng cao sức hấp dẫn của ngọn núi. Núi Viên Sơn thực sự kích thích trí tò mò của tôi. Mỗi ngày tôi khám phá một khu vực, đồng thời không ngừng mở rộng phạm vi nhằm chinh phục ngọn núi. Điều lấy làm lạ là, từ chân núi lên đến đỉnh núi (không cao lắm), tôi bắt gặp hàng chục ngôi đình nằm rải rác trên cung đường có bậc thang dẫn qua. Những ngôi đình này trông dáng vẻ như các trạm dừng chân dùng cho khách bộ hành nghỉ ngơi. Phải chăng, đây chính là “bản lai diện mục” của ngôi đình làng xưa ở Việt Nam? Lịch sử, văn hóa hai quốc gia đã chia tách thực thể những người bà con này với nhau, song không hẳn vì thế mà không kịp nhận ra nhau!
Trực giác mách bảo tôi về một đường dây liên hệ nào đó giữa đình ở Việt Nam và Đài Loan. Đình ở Đài Loan tuy sinh sau đẻ muộn, nhưng vẫn giữ dáng vẻ xưa, hay nói cách khác, chúng không đổi trước sự dịch chuyển của thời gian. Còn đình ở Việt Nam suốt thời gian dài đã không ngừng biến đổi để đến thời kỳ nhà Lê nâng cấp lên thành một cơ sở tín ngưỡng quyền uy, linh thiêng giữa chốn làng quê, đi vào ký ức văn hóa người Việt. Chỉ tính riêng một góc núi Viên Sơn, tôi đếm ước tính có đến hơn 10 ngôi đình. Chúng nằm rải rác trên lối đi, có ngôi nằm ngang trên khoảng đất bằng phẳng, cũng có ngôi tọa lạc lẻ loi, cô đơn chênh vênh bên triền núi. Tất cả đều nằm lộ thiên với dáng vẻ điêu tàn, bám đầy rêu phong cổ kính. Tôi thấy có người vào sân đình tập thể dục, khiêu vũ hoặc hát Karaoke. Quan sát thái độ của mọi người thấy giống như họ đang sử dụng một không gian công cộng. Điều đó chứng tỏ, đồng thời củng cố cho niềm tin, đình từng là một chốn công cộng. Ngoài sân đình lát gạch rộng rãi, bên trong có những tòa nhà cũ kỹ, trông khá xộc xệ, từ ngoài có thể phóng tầm mắt nhìn thẳng vào trong, không gặp bất cứ công trình nào án ngữ. Không giống như đình ở Việt Nam thường có bức bình phong ông hổ hay long mã che chắn cái nhìn chĩa thẳng vào không gian thờ tự. Đình ở đây cũng không có cửa (Nghi môn) tứ trụ cao ngất hay hồ bán nguyệt làm tiền cảnh và tuyệt nhiên không thấy bóng dáng người coi đình mà người Việt gọi là ông từ, thủ từ, xa hơn về quá khứ với danh xưng Xã đường thiêu hương quan (ông quan coi sóc việc hương hỏa).
Theo sự hối thúc của trí tò mò, tôi cứ an nhiên lạc bước vào một ngôi đình tình cờ gặp trên lối đi. Từ cổng dẫn thẳng vào bên trong qua khoảng sân rộng rãi, tòa nhà trong cùng đa số không bày biện gì, song hiếm có đình đặt vài pho tượng Phật, Bồ Tát bỏ hoang hoặc vẽ nguệch ngoạc hình Chúa Jesu lên tường. Sự sắp đặt này không theo nguyên tắc, quy phạm nào. Nó cũng chỉ chiếm một số lượng hy hữu đủ làm nên sự khác biệt nho nhỏ trong số các ngôi đình đồng dạng. Điều này giúp tôi liên tưởng đến một tiến trình phát triển lâu dài của đình ở Việt Nam. Nếu thử đặt giả thiết, đình ở Đài Loan sau khi đặt tượng thờ, giống như thời nhà Lý, Trần (thế kỷ XI-XIV) ở Việt Nam từng đặt tượng Phật, rồi tiếp theo quy phạm nội dung, tính chất của việc thờ tự (xảy ra thời kỳ nhà Lê, thế kỷ XV), đi kèm với các hoạt động tế tự, tổ chức sự kiện văn hóa, những ngôi đình trên chắc hẳn đã mang dáng vẻ, sắc thái, vai trò khác. Ở Việt Nam, quá trình đi lên của ngôi đình từ trạm dừng chân dành cho khách bộ hành đến trạm quá cảnh của các sứ thần, châu mục chuẩn bị vào yết kiến nhà vua, nâng cấp lên thành hành cung, rồi ngôi nhà làng tới nơi thờ thần Thành hoàng qua các triều đại Lý, Trần, đặc biệt dưới triều Lê, đình chính thức trở thành thiết chế trung tâm văn hóa làng.
Đình ở núi Viên Sơn Đài Loan đa số không có tượng thờ. Hình ảnh thị giác sắp đặt tại một số ngôi đình nhằm mục đích gì chưa thể biết, nhưng rõ ràng không có tính chất quy phạm để biến nơi này thành cơ sở tín ngưỡng. Việc đặt tượng thờ ở một số rất ít đình có thể xuất phát bởi ý tưởng nhằm giảm thiểu sự trống trải cho một không gian rộng rãi. Có điều, nếu tiến thêm bước nữa, đi đến quy phạm việc thờ tự, tổ chức hoạt động nghi lễ, biểu diễn văn nghệ… như giả định phía trên, đình Đài Loan có thể đã từ một chốn công cộng thành cơ sở tín ngưỡng! Tất nhiên đó chỉ là giả thiết mang tính chất suy diễn, nhưng không phải không có cơ sở trở thành hiện thực. Lịch sử đã minh chứng điều này từng xảy ra tại Việt Nam. Vậy, ngôi đình ở Việt Nam chắc hẳn ẩn chứa nhiều bí ẩn cần làm sáng tỏ. Suy nghĩ đó hối thúc tôi tiếp tục lên đường trở về quá khứ thăm lại ngôi đình xưa ở Việt Nam.